Chinh chiến Nikephoros II Phokas

Hoàng đế Nikephoros tiến vào kinh thành Constantinopolis qua Cổng Hoàng Kim vào mùa hè năm 963.

Nikephoros II Phokas đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh trong suốt triều đại của mình. Chiến dịch chinh phạt đầu tiên ngay khi mới lên ngôi là chống lại Tiểu vương quốc Aleppo nhà Hamdanid từ năm 961 đến năm 962. Mục tiêu của ông không phải nhằm chinh phục tiểu vương quốc mà là để chấm dứt vai trò của nó như là một cường quốc khu vực – thành phố Aleppo bị tàn phá nặng nề và quân binh tan rã nhưng các vùng lãnh thổ thì không bị sáp nhập. Từ năm 964 đến năm 966 hoàng đế dẫn 40.000 quân chinh phục Cilicia và đánh phá Lưỡng Hà và Syria, trong khi patrikios Niketas Chalkoutzes giành lại đảo Síp.[4] Năm 968, Nikephoros tiến hành một cuộc công kích đến tận thành phố Tripoli, đánh phá và cướp phá hầu hết các pháo đài dọc đường đi. Mục đích của ông là nhằm cắt đứt Antiochia khỏi các đồng minh của mình: thành phố đã hai lần bị phong tỏa không thành vào năm 966 và 968, do đó hoàng đế quyết định để cho toàn thành chịu đói và để lại một phân đội (taxiarchy) 1500 quân trong đồn Baghras nằm trên đường từ Antiochia đến Alexandretta. Viên chỉ huy đồn là patrikios Michael Bourtzes, không tuân theo lệnh của hoàng đế và chiếm thành Antiochia bằng một cuộc đột kích, được sự trợ giúp từ binh sĩ của stratopedarch Petros, thái giám của gia đình Phokas. Bourtzes cảm thấy hổ thẹn vì sự bất phục tùng của mình, và sau đó tham gia vào âm mưu giết Phokas. Trên vùng biên cương phía bắc, ông bắt đầu một cuộc chiến tranh chống lại người Bulgaria vào năm 967, mà Đông La Mã từng chịu cống nạp. Nikephoros cho thu hồi cống phẩm và hối lộ (số tiền lên đến 15.000 pound vàng) Vua Sviatoslav I của Kiev mang quân tấn công Bulgaria. Cuộc xâm lược của vị vua này hữu hiệu đến mức Nikephoros đã nối lại liên minh với Bulgaria và quay lưng lại với đồng minh Kiev của mình.

Thế nhưng Nikephoros II lại tỏ ra không thành công trong các cuộc chinh chiến ở phía tây. Sau khi từ bỏ khoản tiền nộp cống cho khalip nhà Fatimid, ông bèn gửi một đạo quân viễn chinh đến Sicilia dưới sự thống lĩnh của người em họ không hôn thú Manuel Phokas, con của Leon Cả (964–965), nhưng lại bị đánh bại cả trên bộ và trên biển đến nỗi phải triệt thoái khỏi đảo hoàn toàn. Năm 967, ông cầu hòa với nhà Fatimid vùng Kairawan và quay sang bảo vệ mình chống lại kẻ thù chung, Otto I đã tự xưng làm Hoàng đế phương Tây và đưa quân tấn công vào các vùng đất thuộc sở hữu của Đông La Mã ở Ý. Sau một số thành công ban đầu, các tướng lĩnh của ông đã bị đánh lùi trở lại vùng bờ biển phía Nam. Tình trạng căng thẳng giữa hai miền Đông Tây là kết quả từ các chính sách mà Nikephoros theo đuổi có thể nhìn thoáng qua những đoạn mô tả không tốt về ông và triều đình của mình của Giám mục Liutprand thành Cremona trong tác phẩm nhan đề Relatio de legatione Constantinopolitana.[5] Sự mô tả của vị giám mục về Nikephoros bị che khuất bởi thái độ cư xử đầy ác ý mà ông nhận được trong khi đang thực hiện một sứ mệnh ngoại giao đến Constantinopolis. Nikephoros, con người của chiến tranh, có vẻ như không giỏi ngoại giao. Nhằm tăng thêm sự chà đạp vào vết thương lòng này, Giáo hoàng Gioan XIII đã gửi một bức thư cho Nikephoros lúc Liutprand đang ở Constantinopolis, trong thư có gọi Otto I là Hoàng đế La Mã thậm chí còn xấc xược hơn khi đề cập đến Nikephoros chỉ đơn thuần là Hoàng đế của người Hy Lạp. Liutprand gặp thất bại trong mục tiêu tìm kiếm một cô công chúa Đông La Mã làm vợ cho người con út của Otto, chính là vị hoàng đế trong tương lai Otto II.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nikephoros II Phokas http://data.rero.ch/02-A000121971 http://www.wildwinds.com/coins/byz/nicephorus_II/t... http://medieval.ucdavis.edu/20A/Luitprand.html http://catalogo.bne.es/uhtbin/authoritybrowse.cgi?... http://www.documentacatholicaomnia.eu/30_20_0963-0... http://parratiritis.blogspot.gr/2011/10/blog-post_... http://data.bibliotheken.nl/id/thes/p073129585 //doi.org/10.1017%2Fs006615460000870x //www.jstor.org/stable/20455416 //www.worldcat.org/issn/0066-1546